Banner

Chúng ta đã từng nghe đến toàn cảnh, trung cảnh hay cận cảnh trong quay phim. Mỗi một cỡ cảnh như vậy là một khung hình và cần được thể hiện theo một bố cục rõ ràng. Nhưng, thực tế thì hầu hết chúng ta đều muốn tạo nên một cảnh quay khác biệt theo phong cách riêng của bản thân mà ít để ý đến bố cục khung hình. Điều đó tạo nên những cảnh quay chưa thực sự hoàn hảo. Và mình sẽ chia sẻ một số lỗi những người mới thường gặp phải ở phần cuối video này. Còn bây giờ thì hãy cũng mình khám phá về bố cục và thẩm mỹ khuôn hình trong tập 9 của Xách máy lên quay.

Bố cục là gì?

Hiểu một cách đơn giản, bố cục là cách sắp xếp các nhân vật, vật thể, mảng, khối, màu sắc, ánh sáng trong khung hình mà chúng ta nhìn thấy ở màn hình liveview của camera. Chúng ta sẽ sắp xếp bố cục dựa vào các đường nét, hình dạng, hình khối và chuyển động. Như trong tập 8, ta đã ứng dụng quy tắc 1/3 để tạo nên các đường thẳng chia khung hình làm 9 phần bằng nhau.

Chúng ta cũng có thể sử dụng các đường chéo để tạo đường dẫn, tăng tính chiều sâu, gia tăng kịch tính và hành động cho cảnh quay. Về sau, các bạn có thể tìm hiểu thêm về đường cong hay thâm chí là đường xoắn ốc tỷ lệ vàng.

Tiếp theo là nguyên tắc looking room hay còn gọi là khoảng thở của khung hình. Mỗi cảnh quay ngoài chủ thể chính chúng ta còn có không gian xung quanh. Do đó các bạn nên đặt nhân vật vào ví trí 1/3 để khoảng trống còn lại, nơi mà đối tượng đang hướng đến chiếm 2/3 khung hình còn lại. Đặc biệt với những cảnh quay chuyển động như thế này, khoảng thở sẽ giúp người xem có cảm nhận chuyển động hướng về phía trước của nhân vật rõ ràng hơn.
Đây cũng chính là quy tắc hướng nhìn mà mở rộng ra, chúng ta có thể áp dụng cho một chiếc xe đang đi, một đoàn tàu đang chạy làm tăng cảm giác chuyển động cho vật thể.

3 lỗi phổ biến về bố cục người mới thường mắc phải

Đầu tiên là việc không chú ý đến vị trí của đường chân trời. Đôi lúc chúng ta còn để lệch đường chân trời, hay để đường chân trời sai vị trí tạo ra một khung hình với bầu trời quá hẹp hoặc quá rộng.

Thứ 2 là để quá nhiều không gian trống ở phía trên đầu nhân vật. Các bạn hãy thử so sánh khung hình vừa rồi với khung hình này xem cái nào trông sẽ đẹp mắt hơn? Chắc chắn là khung hình thứ 2 rồi phải không nào. Vì vậy, hãy chú ý tới khoảng trống headroom này nhé.

Thứ 3 là khung hình của bạn trông quá lộn xộn, nhiều chi tiết thừa thãi. Hãy nhớ rằng, chúng ta cần loại bỏ sự lộn xộn, các đồ vật thừa hay còn gọi là rác trong khung hình và hướng tới sự tối giản để làm nổi bật chủ thể.

Sau video này, các bạn hãy cố gắng xem nhiều phim ảnh và TV, đặc biệt chú ý tới bố cục để mắt bạn bắt đầu nhận dạng ra các quy tắc được thể hiện trong đoạn phim. Từ đó giúp bạn hiểu thêm về bố cục và quay được những shot hình chất lượng hơn. Người ta thường nói các quy tắc tạo ra là để phá vỡ. Nhưng tuy nhiên, hãy bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất trước khi sáng tạo nên những phong cách khác biệt. Và trong tập 10, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các cỡ cảnh trong quay phim.