Như chúng ta đã biết, quay video là quá trình camera ghi nhận lại hình ảnh dựa vào ánh sáng. Nếu không có ánh sáng, dĩ nhiên camera sẽ chẳng thể ghi lại hình ảnh gì. Ánh sáng đem lại cho đôi mắt chúng ta cảm nhận về hình ảnh bởi màu sắc, hình dáng của các vật thể và điều này cũng tương tự với các thiết bị camera. Vậy làm thế nào để máy ảnh, máy quay có thể ghi nhận lại chính xác màu sắc của chủ thể cũng như các vật thể trong từng cảnh quay?
1. Nhiệt độ màu
Trong vòng tròn màu sắc, chúng ta có nhiều cặp màu săc tương phản, đối xứng với nhau qua tâm vòng tròn. Ví dụ như chúng ta sẽ có màu cam ở một bên và đối lập với nó là màu xanh dương ở bên còn lại. Cặp màu này cũng tạo cho chúng ta cảm giác màu với hai sắc thái đối nghịch nhau. Màu cam cho ta cảm giác nóng và màu xanh dương cho ta cảm giác lạnh. Hay nói cách khác, đây chính là những yếu tố tạo nên cảm nhận về nhiệt độ màu trong quay phim.
Nhiệt độ màu | Nguồn sáng |
---|---|
1,700 K | Lửa từ que diêm, đèn natri áp suất thấp (LPS/SOX) |
1,850 K | Lửa từ nến, hoàng hôn / bình minh |
2,400 K | Đèn sợi đốt tiêu chuẩn |
2,550 K | Đèn sợi đốt trắng dịu |
2,700 K | Đèn huỳnh quang compact và đèn LED trắng dịu |
3,000 K | Đèn huỳnh quang compact trắng và đèn LED trắng ấm |
3,200 K | Đèn studio, photofloods.. etc. |
3,350 K | Đèn Studio “CP” |
4,100–4,150 K | Ánh sáng trăng |
5,000 K | Ánh sáng ngày ở đường chân trời |
5,000 K | Đèn tuýp huỳnh quang hoặc đèn huỳnh quang compact ánh sáng ngày/trắng mát |
5,500–6,000 K | Ánh sáng ngày ở thời điểm 12h trưa, đèn flash điện tử |
6,200 K | Đèn hồ quang ngắn Xenon |
6,500 K | Ánh sáng trắng, trời u ám |
6,500–9,500 K | Màn hình LCD hay CRT |
15,000–27,000 K | Bầu trời về phía cực màu xanh trong |
Chúng ta có thể thấy ánh sáng cam xuất hiện trong ánh sáng từ ngọn nến, đèn sợi đốt hay ánh mặt trời lúc hoàng hôn. Ta gọi chúng là ánh sáng ấm. Ở chiều ngược lại, chúng ta thấy ánh sáng xanh dương xuất hiện trong ánh sáng đêm trăng, ánh sáng ngày nhiều mây hay ánh sáng sau khi mặt trời lặn hẳn. Chúng đươc gọi là ánh sáng lạnh. Và ánh sáng trung hòa giữa ánh sáng nóng và ánh sáng lạnh là ánh sáng trắng (daylight), thứ mà chúng ta thấy nhiều nhất từ ánh sáng mặt trời tự nhiên.
2. Cân bằng trắng
Mắt thường của chúng ta có khả năng cảm nhận những khác biệt về nhiệt độ màu và tự điều chỉnh để nhận biết màu sắc của sự vật trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau kể trên. Trong khi đó, cảm biến của camera thông thường lại không thể làm được như vậy. Và từ bất cập này, khái niệm white balance, cân bằng trắng ra đời như là 1 phương pháp giúp camera nhận biết điều kiện ánh sáng môi trường và ghi lại màu sắc của sự vật một cách chính xác, thật nhất so với mắt thường.
Nói một cách dễ hiểu nhất thì cân bằng trắng chính là việc đưa màu trắng trở về chính xác là màu trắng, từ đó kéo theo các màu sắc khác đúng theo. Nếu chúng ta cân bằng trắng sai, những vùng màu trắng trong khung hình có thể bị ngả vàng hoặc ngả xanh dương. Dù các camera ngày nay có chế độ cân bằng trắng tự động, nhưng nếu ở môi trường có nhiều nguồn sáng với nhiệt độ màu khác nhau thì tính năng này chưa chắc đã hoạt động hiệu quả. Do đó, chúng ta vẫn nên thực hiện thao tác cân bằng trắng thủ công trước khi quay ở mỗi không gian, thời điểm quay khác nhau.
3. Cách cân bằng trắng
Cách thực hiện cân bằng trắng khá đơn giản thôi. Chúng ta hãy bật tính năng white balance trên thiết bị camera, đưa trước ống kính một tờ giấy trắng để camera hiểu được đó chính là vật màu trắng.
Nếu camera của bạn không có tính năng này thì chúng ta có thể cân bằng trắng bằng cách set nhiệt độ màu thủ công:
- Trong điều kiện ánh sáng tự nhiên ban ngày, độ K thường sẽ là: 5600K
- Trong điều kiện ánh sáng trong nhà đèn vàng, chúng ta sẽ set độ K là: 3200K
- Còn nếu là không gian ngoài trời nhiều mây thiếu ánh sáng mặt trời, chúng ta sẽ set ở mức: 6500K
- Với trường hợp khung hình có nhiều nguồn sáng với nhiệt độ màu khác nhau, chúng ta nên set thông số an toàn ở mức: 4800K
Điều quan trọng là bạn có thể quan sát được sự thay đổi màu sắc của các vật thể trong khung hình khi từ từ thay đổi thông số độ K này. Hãy tập trung vào các vật thể màu trắng và thay đổi giá trị K để đưa chúng về đúng màu trắng khi quan sát trên màn hình.
Kết luận
Trong mỗi điều kiện ánh sáng khác nhau, chúng ta cần thực hiện cân bằng trắng trước khi bấm nút quay, tức là thay đổi nhiệt độ màu để cảm biến camera ghi nhận chính xác nhiệt độ màu của môi trường, từ đó đưa màu trắng về đúng là màu trắng. Chúng ta nên cân bằng trắng thủ công bằng một tờ giấy trắng hoặc tự set thông số K để cân bằng trắng hiệu quả nhất.
Comments