Ở những tập trước, chúng ta đã nắm rõ 3 yếu tố cấu thành nên tam giác ánh sáng bao gồm: khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO. Chúng ta biết rằng khi hình ảnh thiếu sáng thì phải mở khẩu lớn hơn hoặc nếu dư sáng thì phải khép khẩu lại để tránh hiện tượng cháy sáng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào nhận biết hình ảnh bị cháy sáng hoặc bị quá tối để điều chỉnh lại các thông số trên máy ảnh, máy quay? Thông thường, chúng ta sẽ nhìn hình ảnh trên màn hình LCD có trên máy ảnh, máy quay và cảm nhận bằng mắt thường phải không? Có một thực tế là phần lớn màn hình máy ảnh đều có mức độ hiển thị không thực sự tốt. Nhìn video quay trên đó một đường, nhưng khi xem trên máy tính các bạn lại thấy độ sáng hình ảnh một nẻo. Chưa kể đến việc có vô vàn yếu tố tác động đến quá trình “nhìn màn hình” của chúng ta như trời quá nắng, quá chói hay mắt bị cận,… Đó chính là lý do chúng ta phải sử dụng đến một công cụ có tên là Histogram.

Histogram là gì?
Histogram trong quay phim là gì?
Histogram hiểu đơn giản là một biểu đồ biểu diễn một cách trực quan mức độ sáng tối của các điểm ảnh trong video. Tất cả các máy ảnh, máy quay phim hiện nay đều tích hợp sẵn histogram như là một công cụ mặc định không thể thiếu. Trên smartphone chúng ta vẫn có thể xem histogram khi sử dụng các app quay phim từ bên thứ 3 như Filmic Pro.
Nhìn vào histogram chúng ta dễ dàng nhận thấy biểu đồ này bao gồm 2 trục:
+ Trục hoành nằm ngang biểu thị giá trị độ sáng từ 0 đến 255.
+ Trục tung thẳng đứng biểu thị số lượng điểm ảnh (hay còn gọi là số lượng pixel).
Tại mỗi giá trị độ sáng, số lượng điểm ảnh khác nhau tạo nên nhiều cột có độ cao thấp khác nhau. Các cột càng cao tức là có càng nhiều điểm ảnh ở đó và độ chi tiết càng cao. Các cột càng thấp tức là có càng ít điểm ảnh, ít chi tiết ở khu vực đó.
Sử dụng histogram như thế nào?
Vậy để hình ảnh đủ sáng, chúng ta nên điều chỉnh các thông số sao cho histogram hiển thị biểu đồ nằm ở khoảng giữa, không tiến sát về phía bên trái hoặc bên phải để hình ảnh không bị cháy đen, cũng như không bị cháy sáng. Và khoảng giá trị độ sáng từ 60 đến 70% trục hoành sẽ cho ta hình ảnh đúng sáng nhất.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh để biểu đồ nằm này không đúng trong mọi trường hợp. Ví dụ ở đây, mình đang có một cảnh quay bị cháy sáng theo biểu đồ histogram. Nếu giảm độ sáng hình ảnh để biểu đồ không chạm đến 255, nhân vật trong hình trông sẽ bị thiếu sáng rõ rệt. Trong trường hợp này, chúng ta cần xác định rõ đâu là chủ thể trong cảnh quay và setup thông số sao cho độ sáng của các điểm ảnh của chủ thể chính nằm trong khoảng 60-70. Phân tích cụ thể, chúng ta sẽ thấy trong khung hình đang có 3 vùng sáng rõ rệt: bầu trời nằm ở vùng highlight, quần áo và phần thân dưới của nhân vật ở vùng shadow và khuôn mặt nằm trong vùng midtone. 3 vùng sáng này cũng thể hiện rõ trong histogram.
Mình sẽ mở khẩu để khuôn mặt của nhân vật tức là vùng midtone sáng thêm một chút đến giá trị 60-70 trong histogram. Khi đó vùng highlight là bầu trời sẽ bị cháy sáng và chúng ta phải chấp nhận điều đó.
Hoặc một ví dụ khác với một cảnh quay nhân vật cầm nến bước vào phòng tối. Nhìn vào histogram ta sẽ thấy hình ảnh bị mất chi tiết gần như hoàn toàn bởi phần lớn khung hình là bóng tối đen xì và chỉ có một chút xíu nguồn sáng nhỏ từ ngọn lửa
Trong những cảnh quay như thế này, để có thể quay đúng sáng khuôn mặt nhân vật thì Học Làm Phim sẽ chia sẻ với các bạn về cách đo sáng ở tập tiếp theo của Xách máy lên quay nhé.
Kết luận
Tổng kết lại ở video này, histogram là công cụ hữu ích giúp chúng ta có được thông số về độ sáng của các điểm ảnh, từ đó tránh hiện tượng cháy đen hoặc cháy sáng hình ảnh khi quay video. Cùng với đó, quy tắc 60-70 sẽ giúp chúng ta có được hình ảnh đúng sáng nhất ở các điều kiện ánh sáng thông thường.
Một gợi ý nhỏ cho các bạn là trên một số máy ảnh, máy quay còn tích hợp công cụ Zebra giúp cảnh báo cháy sáng bằng cách hiển thị các đường sọc trắng đen ở những vùng mà điểm ảnh bị cháy sáng và mất chi tiết. Các bạn có thể tự tìm hiểu và cài đặt Zebra vì nó cũng khá đơn giản.
Comments