Banner

Vị trí và góc máy camera, đây là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều đến bố cục khung hình của mỗi shot quay. Các bạn đặt camera ở đâu, vị trí nào, cao hay thấp, góc máy hướng lên, hướng xuống hay nhìn thẳng. Tất cả đều được quyết định bởi nội dung, câu chuyện mà các bạn muốn kể lại, cảm xúc, cảm giác và bạn muốn tạo ra cho khán giả khi họ xem đoạn video của bạn. Vậy, hãy cùng mình tìm hiểu ngay nội dung video tập 11 ngay thôi nào. Nếu đây là lần đầu bạn đến với Xách máy lên quay thì đây là serie video hướng dẫn quay phim, quay video cơ bản, giúp các bạn có thể tự tin xách máy lên để quay video, dù cho bạn có sử dụng bất cứ thiết bị camera nào; điện thoại, máy ảnh, máy quay,… Xách máy lên quay sẽ được lên sóng vào tối thứ 3 hàng tuần tại channel Youtube Học Làm Phim.

[elfsight_youtube_gallery id=”1″]

Công việc của người quay phim là phải chọn lựa được 1 vị trí, góc máy camera tốt nhất để đạt được hiệu quả kể chuyện tối đa cho từng cảnh quay. Ví dụ như cảnh quay này kể câu chuyện về một chàng trai đang đi bộ trên vỉa hè. Chúng ta cần có nhân vật xuất hiện, có dòng xe ngược xuôi để người xem hình dung được không gian nơi nhân vật đang xuất hiện. Sau đó sẽ chuyển sang các cảnh cận và đặc tả nhân vật. Vậy ở cảnh giới thiệu không gian, bạn sẽ đặt camera ở vị trí nào? Nếu đặt ngang như ban nãy, mọi thứ xuất hiện trong khung hình vẫn đảm bảo được ý đồ của bạn. Nhưng nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy chủ thể bị chìm đi so với các ngôi nhà ở phía bên kia đường. Mình sẽ tìm một góc máy khác như thế này, và tận dụng khoảng trời phía xa để làm nổi bật nhân vật hơn.

Các bạn thấy đấy, trong 1 cảnh quay, bạn sẽ có rất nhiều vị trí để đặt máy. Hãy kiên nhẫn cầm camera đi một vòng quanh nhân vật để quan sát thử khung hình xem vị trí nào là phù hợp nhất, ưng mắt nhất. Cùng với đó, hãy tự trả lời câu hỏi: mình đang muốn kể lại điều gì? Những gì cần xuất hiện trong khung hình và những gì không cần xuất hiện trong khung hình? Qua quá trình quay nhiều video, dần dần các bạn sẽ  có phản xạ và kinh nghiệm chọn vị trí đặt camera.

Đi vào cụ thể 1 vị trí đặt camera chúng ta sẽ có 3 góc máy thông thường là: ngang tầm mắt, góc cao hướng xuống hoặc góc thấp hướng lên. Và mỗi một góc máy sẽ đem lại 1 góc nhìn, 1 cảm nhận, cảm giác, cảm xúc khác nhau cho người xem.

Góc ngang tầm mắt là góc quay phổ biến thông thường. Nó giúp người xem có thể dễ dàng giao tiếp thị giác với các nhân vật trong video, hoặc tạo cảm giác như họ đang có mặt ở đó để chứng kiến câu chuyện.

Góc thấp hướng lên sẽ làm cho nhân vật, chủ thể trông to lớn hơn, tạo cảm giác của sức mạnh, của quyền lực hay sự thống trị. Nó thường được sử dụng trong các phim siêu anh hùng. Hay khi bạn cần giới thiệu nhân vật có địa vị thì góc quay thấp như thế này cũng sẽ làm người xem có sự cảm nhận chính xác về cá tính của nhân vật đó.

Đôi khi, nếu bạn muốn làm cho một nhân vật thấp lùn trở lên cao lớn hơn thì góc quay này cũng có thể là một ý tưởng hay dành cho bạn.

Ngược lại với góc thấp, góc máy cao hướng xuống sẽ làm cho nhân vật trở nên nhỏ bé, yếu ớt, khiêm nhường. Nó thường được sử dụng với những cảnh quay trẻ em, hoặc những cảnh quay mà nhân vật dường như đang đối mặt sự nguy hiểm.

Ngoài ra, cũng có 1 số góc máy khác phát triển từ 3 góc máy cơ bản mình nêu trên. Ví dụ như góc máy top shot từ trên cao thế này cũng được phát triển từ góc máy hướng xuống nhưng ở vị trí cao hơn nhiều so với thông thường. Ở góc máy này, người xem sẽ dễ dàng quan sát được không gian căn phòng, vị trí các đồ vật cũng như tạo cho đoạn phim, đoạn video của chúng ta sự đa dạng góc máy, tránh gây nhàm chán.

Hay là góc máy ngang nhưng ở vị trí thấp dưới chân để quay một cảnh cận vào đôi chân của nhân vật như thế này sẽ giúp người xem cảm nhận chuyển động mạnh mẽ hơn.

Trong quay phỏng vấn hay những cảnh quay 2 người nói chuyện thì góc máy ngang vai cũng khá phổ biến và thường xuyên được sử dụng. Nó giúp khán giả cảm giác như họ đang đứng phía sau quan sát cuộc hội thoại này.

Hoặc nếu bạn muốn người xem như hóa vai vào nhân vật, hãy sử dụng góc nhìn POV point of view, camera sẽ như đang gắn lên mắt nhân vật vậy. Từ đó người xem sẽ có cảm giác đi sâu vào từng hành động cũng như nội tâm của nhân vật.

Tổng kết

Việc xác định vị trí, góc máy được quyết định bởi việc bạn đang muốn kể lại điều gì, bạn muốn cho người xem tập trung vào đâu, tạo cho họ cảm xúc như thế nào để từ đó chúng ta có thể sáng tạo ra thêm nhiều góc máy mới lạ hơn nữa. Điều quan trong là bạn phải kiên nhẫn trong việc tìm kiếm góc máy. Hãy cố gắng luyện tập nhiều, và mình tin rằng, đôi mắt của chúng ta dần dần sẽ phản xạ nhanh hơn với công đoạn này.