Hầu hết chúng ta đều sử dụng các công cụ như histogram hay zebra để biết được video mình đang quay là đủ sáng, dư sáng hay thiếu sáng. Hôm nay, Học Làm Phim sẽ chia sẻ với các bạn một công cụ đo sáng thú vị hơn mang tên False color. Khi bạn dùng một camera hoặc màn hình phụ có chế độ false color, hình ảnh của bạn sẽ trông như thế này. Hoặc nếu các bạn quay video bằng điện thoại smartphone, những ứng dụng như Filmic Pro có tính năng hiển thị false color như thế này. Vậy thì false color là gì? Nó có ưu điểm gì nổi trội hơn so với cách kiểm soát độ phơi sáng bằng các công cụ khác? Hãy cùng Học Làm Phim khám phá trong bài viết nhé.
1. False color là gì?
False color dịch ra có nghĩa là màu giả, tức là hình ảnh thể hiện vật thể ở màu sắc khác với màu sắc thực tế nếu nhìn bằng mắt thường. Các màu sắc được tạo ra qua các kỹ thuật xử lý tín hiệu bởi Viện Kỹ sư vô tuyến Institute of Radio Engineers. Sau này, người ta lấy chính IRE viết tắt của Viện để là đơn vị của dải màu này. Các giá trị độ sáng khác nhau được thể hiện bằng một màu riêng, cho phép bạn hiểu rõ về mức độ phơi sáng của mọi phần trong hình ảnh.

Biểu đồ các giá trị độ sáng (đo bằng IRE) của false color
Ví dụ, tại mức IRE = 0 (cấp độ đen), hình ảnh sẽ có màu hồng, trong khi đó, ở mức IRE = 100 (mức màu trắng), hình ảnh sẽ có màu đỏ. Điều này có nghĩa là, nếu vùng hình ảnh nào có màu hồng thì tức là khu vực đó bị cháy đen hoàn toàn (mất chi tiết vùng shadow), và các vùng có màu đỏ bị cháy sáng hoàn toàn (mất chi tiết vùng highlight).
Nghe thì có vẻ hơi phức tạp đúng không, nhưng một khi bạn hiểu cách đọc false color và nhớ được các màu khác nhau có ý nghĩa như thế nào, bạn sẽ có thể phơi sáng hình ảnh nhanh hơn và hiệu quả hơn bất cứ công cụ phơi sáng nào khác.
2. Cách đo phơi sáng bằng False color
Để phơi sáng một cách chính xác và nhanh chóng bằng false color là tập trung vào tone màu da trước tiên. Thông thường, tone màu da nên được phơi sáng ở mức 70 IRE, tức là màu xám nhạt. Một khi bạn đã thiết lập được độ phơi sáng sao cho tone màu da của diễn viên có màu xám trên false color, bạn sẽ biết có được hình ảnh đúng sáng – hay ít nhất là nhân vật đã được phơi sáng đúng. Từ đó, bạn có thể kiểm tra xem trong khung hình chỗ nào dư sáng, chỗ nào thiếu sáng và điều chỉnh đèn cho phù hợp.
Ba màu xám đậm, hồng nhạt và xám nhạt là những giá trị nằm ở giữa thang đo IRE. Hãy để các vật thể trong khung hình nằm trong khoảng màu này, bạn sẽ lấy được cả vùng hightlight và shadow của vật thể tức là chúng ta lấy được đủ chi tiết.
Nếu các bạn đã tìm hiểu nhiều về ánh sáng trong quay phim thì sẽ biết rằng, việc xếp các lớp highlight và shadow xen kẽ nhau trong khung hình sẽ giúp chúng ta có được hình ảnh hoàn hảo nhất. Và với false color, việc đánh sáng sẽ trở nên cực kỳ dễ dàng khi chúng ta chỉ cần xếp các lớp màu đan xen nhau trong khung hình là xong. Trên kênh Học Làm Phim cũng có một serie video hướng dẫn chi tiết về ánh sáng trong quay phim, các bạn có thể click vào đường link mình để ở phía trên này, hoặc dưới phần mô tả để tìm hiểu kỹ hơn nhé.
Kết luận
Như vậy là trong video này, mình đã chia sẻ với các bạn cách kiểm soát độ phơi sáng với false color. Nếu camera của các bạn không có tính năng này thì chúng ta có thể mua một màn hình phụ như chiếc F570 mình đang sử dụng ở đây. Mình nghĩ rằng chi phí đầu tư sẽ rất xứng đáng với kết quả bạn thu được. Kênh Học Làm Phim cũng có 1 bài viết reivew chi tiết về chiếc màn hình Feelworld F570 4K này.
Còn trên điện thoại thì cực kỳ đơn giản, chỉ cần bạn tải app Filmic Pro là xong!
Comments