Banner

Trong 3 tập đầu tiên của serie Xách máy lên quay, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO cũng như những hệ quả khi tăng/giảm mỗi yếu tố. Đây là những thông số cơ bản nhất khi quay phim mà ai cũng cần biết, dù bạn sử dụng bất cứ camera nào, máy ảnh, máy quay, hay thâm chí là cả điện thoại smartphone. Làm thế nào để cân bằng giữa 3 thông số trên để cho ra được độ sáng hình ảnh phù hợp nhất với yêu cầu cảnh quay đưa ra?

Bước 1: Set tốc độ màn trập

Yếu tố đầu tiên mình cài đặt là tộc độ màn trập. Mình sẽ tuân thủ quy tắc phổ biến: tốc độ màn trập gấp đôi frame rate (số khung hình trên giây). Quy tắc này cũng như chi tiết khái niệm và ứng dụng của tốc độ màn trập, mình đã chia sẻ chi tiết trong video tập 2, các bạn có thể mở để xem lại nếu cần.

Như vậy, thực chất trong bước 1 này mình sẽ có 2 thao tác nhỏ: cài đặt frame rate và cài đặt tốc độ màn trập. Với frame rate phổ biến nhất trong phim điện ảnh là 24 hình/giây, các chương trình truyền hình ở châu Âu, châu Á thường là 25 hình/giây trong khi ở Mỹ là 30 hình/giây. Các bạn cũng có thể cài đặt frame rate ở 50 hoặc 60 hình/giây để quay các video thể thao, chuyển động, hoặc thậm chí 100, 120 hình/giây để sử dụng biên tập slow motion, tạo nên các video chuyển động chậm hoặc siêu chậm hơn bình thường.

Nhưng hãy nhớ rằng, khi frame rate càng cao thì chúng ta sẽ cần thiết lập tốc độ màn trập càng nhanh hơn theo đúng quy tắc nhân đôi con số. Khi đó hình ảnh sẽ tối hơn, và điều này sẽ phù hợp với điều kiện ánh sáng tốt, nguồn sáng đầy đủ. Ngược lại, trong trường hợp ta quay video ở môi trường quá thiếu sáng, ta nên ưu tiên frame rate thấp hơn như 24 hoặc 25 fps để có tốc độ màn trập chậm hơn ở tốc độ 1/50, hình ảnh thu được sẽ sáng hơn.

Bước 2: Set khẩu độ

Tùy thuộc vào yêu cầu cảnh quay đưa ra, mình sẽ lựa chọn thông số khẩu độ mở rộng hay thu hẹp. Hầu hết các smartphone đều không điều chỉnh được khẩu độ, chỉ một số mẫu smartphone mới có tích hợp camera kép chúng ta mới thao tác điều chỉnh khẩu độ được. Nhưng để không quá lan man vào camera của smartphone, Học Làm Phim sẽ chia sẻ chi tiết hướng dẫn sử dụng các app để quay video trên smartphone sau.

Nếu là một cảnh quay góc rộng, hoặc cảnh quay cần rõ nét mọi thứ trong khung hình mình sẽ khép khẩu lại cho đến giá trị mà hình ảnh vẫn đảm bảo đủ độ sáng, thông thường là f 5.6 hoặc đôi lúc ngoài trời nắng quá gắt, có thể là f 9, f 11.

Nếu mình muốn một hình ảnh có hiệu ứng xóa phông, vùng nét chỉ tập trung vào chủ thể chính mình sẽ ưu tiên mở khẩu lớn cho đến khi mình cảm thấy ưng ý và hài lòng với mức độ xóa phông.

Độ sâu trường ảnh khác biệt khi mở khẩu lớn và khép khẩu hẹp lại.

Lựa chọn mở khẩu lớn hoặc khép khẩu nhỏ tùy thuộc vào yêu cầu về khoảng nét dày hay mỏng.

Như vậy, ở đây, trước tiên chúng ta sẽ cài đặt thông số khẩu độ dựa trên khoảng nét, độ sâu trường ảnh mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên mức độ xóa phông của hình ảnh sẽ còn phụ thuộc vào ống kính với mỗi tiêu cự khác nhau. Nên hãy cân nhắc để đưa ra quyết định quay video ở khẩu độ bao nhiêu.

Bước 3: Set thông số ISO

Sau khi đã thiết lập 2 thông số tốc độ màn trập và khẩu độ, chúng ta sẽ đến với ISO để cân bằng lại ánh sáng cho hình ảnh. Như vậy, sẽ có 2 khả năng sau xảy ra:

Trường hợp 1: hình ảnh đang bị dư sáng

Trong trường hợp này, đương nhiên ta sẽ để ISO ở mức thấp nhất có thể. Nếu lượng ánh sáng vẫn đang quá dư dả, chúng ta sẽ cần sử dụng đến một chiếc filter ND cho ống kính để giảm bớt lượng ánh sáng đến với cảm biến. Trong trường hợp không có filter ND hoặc quay bằng smartphone, chúng ta sẽ cân nhắc việc quay lại điều chỉnh tốc độ màn trập hay khẩu độ. Nếu ưu tiên hiệu ứng motion blur thật mắt người xem, ta có thể khép bớt khẩu độ lại để giảm cường độ ánh sáng. Nếu ưu tiên cho hình ảnh xóa phông hơn hoặc không thể thay đổi được khẩu độ, chúng ta sẽ tăng tốc độ màn trập lên để giảm cường độ ánh sáng đi vào cảm biển.

Trường hợp 2: hình ảnh đang bị thiếu sáng

Dĩ nhiên rồi, ta sẽ tăng ISO lên để bù sáng cho hình ảnh. Như đã nói ở video tập 3, việc tăng ISO quá cao sẽ gây ra hiện tượng noise. Vì vậy hãy cân nhắc để điều chỉnh thông số ISO thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu độ sáng của hình ảnh trong cảnh quay. Trong một số trường hợp, nếu hình ảnh vẫn bị tối mà ta không muốn chúng bị quá noise, ta có thể quay lại mở khẩu độ lớn hơn nếu vẫn còn có thể mở được thêm. Còn không, chỉ có cách phải dùng thêm đèn để tăng cường nguồn sáng.

Như vậy, trên đây là quy trình setup 3 thông số: tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO. Điều quan trọng nhất là các bạn cần xách may lên và quay một vài shot hình ở nhiều không gian, nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu rõ và nắm được các quy tắc, cũng như tự điều chỉnh theo ý đồ của cá nhân mình. Đôi khi mọi thứ cũng sẽ không quá chuẩn mực, điều kiện thực tế khiến ta phải tính toán và đưa ra những quyết định khác nhau. Nhưng về cơ bản, những chia sẻ trên của mình sẽ giúp các bạn có được đoạn video quay manual thủ công với chất lượng tốt nhất.