Khẩu độ của ống kính là yếu tố rất quan trọng đối với một ống kính máy quay và máy ảnh. Trong tập 1 của serie video Xách máy lên quay, Học Làm Phim sẽ chia sẻ với các bạn để hiểu rõ khẩu độ là gì và ứng dụng trong việc điều chỉnh thiết bị quay, camera như thế nào.
Khái niệm khẩu độ
Khẩu độ (aperture) của (ống kính) máy ảnh, là đường kính của cửa điều sáng tại vị trí ống kính của máy ảnh làm nhiệm vụ điều chỉnh lượng sáng khi chùm tia sáng phản chiếu từ vật thể đột nhập vào ống kính. Hiểu một cách đơn giản nhất, khẩu độ là lớp màn chắn sáng nằm phía trong ống kính giúp điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào trong ống kính camera. Khẩu độ của ống kính máy ảnh là yếu tố rất quan trọng đối với ống kính và máy ảnh. Khẩu độ (hay độ mở) của ống kính càng lớn tức là trong một khoảng thời gian nhất định lượng ánh sáng mà cảm biến (hoặc phim) nhận được càng nhiều.
Cơ chế hoạt động của khẩu độ
Được tích hợp mặc định vào tất cả các ống kính, khẩu độ là một trong những điểm quan trọng để điều chỉnh lượng ảnh sáng đến được cảm biến của camera máy ảnh bằng độ mở của nó. Lượng ánh sáng sẽ càng lớn nếu mức độ mở rộng của khẩu độ càng lớn và ngược lại cường độ ánh sáng sẽ giảm khi khẩu độ được thu hẹp lại.
Ứng dụng của khẩu độ
Như đã nói ở trên, cơ chế hoạt động của khẩu độ giúp chúng ta điều chỉnh khẩu độ để cân bắng ánh sáng cho hình ảnh thông qua việc tăng giảm sáng. Khẩu độ càng mở thì hình ảnh sẽ càng sáng hơn, khẩu độ càng khép lại thì hình ảnh sẽ càng tối đi.

Khẩu độ mở ra và khép lại ảnh hưởng đến độ sáng hình ảnh.
Ngoài những chức năng chính như một vài nút “van” điều tiết ánh sáng, khẩu độ còn là yếu tố quan trọng để điều chỉnh độ nét mờ cho hình ảnh. Khi khẩu độ được mở rộng, nó sẽ cô lập nền trước với nền sau làm cho đối tượng ở nền sau trở nên sắc nét và đối tượng ở nền sau bị nhòe đi hay còn gọi là “xóa phông”. Ngược lại, khi khẩu độ nhỏ, nó sẽ làm cho tất cả đối tượng ở nền trước lẫn nền sau được sắc nét. Khu vực lấy nét được gọi là độ sâu trường ảnh.

Độ sâu trường ảnh khác biệt khi mở khẩu lớn và khép khẩu hẹp lại.
Độ sâu trường ảnh (Depth of Field) là vùng sắc nét chấp nhận được trong một bức ảnh mà sẽ xuất hiện trong vùng lấy nét. Trong mọi bức ảnh đều luôn có một vùng nhất định của bức ảnh, ở phía trước hoặc phía sau của đối tượng chụp, sẽ xuất hiện trong vùng lấy nét. Vùng này sẽ thay đổi khác nhau ở mỗi bức ảnh. Một số bức ảnh có thể có vùng lấy nét rất nhỏ, khi đó người ta gọi là DoF mỏng (nông). Khi vùng lấy nét rất lớn, bức ảnh có DoF dày (sâu).
Đơn vị của khẩu độ
Đơn vị đo khẩu độ là mm hoặc là một số không có đơn vị tùy theo loại ống kính. Đại lượng tính bằng tỉ lệ giữa tiêu cự của ống kính và khẩu độ tương ứng tiêu cự được gọi là “số dừng” (f stops hay stops) đó được chuẩn hóa theo dãy số: 1.4 – 1.8 – 2.8 – 3.2 – 3.5….11 – 16 – 22… Khẩu độ càng mở, độ mở ống kính càng lớn nghĩa là giá trị số f càng nhỏ. Ngược lại khẩu độ càng khép, độ mở ống kính càng hẹp nghĩa là giá trị số f càng lớn. Những ống kính có khẩu độ càng lớn như f 1.4, f 1.2 thì càng đắt tiền.
Kết luận
1. Khẩu độ càng mở (có nghĩa là số f càng nhỏ) thì lượng ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều, hình ảnh thu được càng sáng, tuy nhiên độ sâu trường ảnh càng mỏng (hiện tượng xóa phông).
2. Khẩu độ càng khép (có nghĩa là số f càng lớn), thì lượng ánh sáng đi vào cảm biến càng ít, hình ảnh thu được càng tối, tuy nhiên độ sâu trường ảnh càng dày (các chủ thể trong cả khung hình càng rõ nét).
Thông tin tham khảo: Có các ống kính zoom có số f lớn được cung cấp như f/3.5-5.6. Các ống kính này được gọi là "ống kính zoom có khẩu độ khả biến", trong đó khẩu độ thay đổi theo độ dài tiêu cự. Trong trường hợp ống kính EF24-105mm f/3.5-5.6 IS STM, khẩu độ (số f) ở đầu góc rộng (24mm) là f/3.5, và khẩu độ ở đầu tele (105mm) là f/5.6. Các ống kính có khẩu độ không thay đổi ngay cả khi độ dài tiêu cự thay đổi được gọi là "ống kính zoom khẩu độ cố định".A: Khẩu độ tối đa (đầu góc rộng) B: Khẩu độ tối đa (đầu tele)
Comments