Banner

Quay video, quay phim là quá trình kể lại một câu chuyện, truyền tải một nội dung bằng hình ảnh và âm thanh. Nếu ở chuỗi video từ tập 1 đến tập 7 chúng ta đã cũng nhau tìm hiểu các yếu tố và công cụ để có được hình ảnh đúng sáng, đủ sáng thì ở những video tiếp theo này, mình sẽ chia sẻ với các bạn cụ thể hơn về ngôn ngữ hình ảnh trong quay phim. Nói đến ngôn ngữ hình ảnh thì không thể không nhắc tới bố cục và khuôn hình. Hãy cùng Học Làm Phim khám phá về quy tắc 1/3 trong quay phim để hiểu rõ hơn những điều này nhé.

Hãy cùng quan sát 3 khung hình mình có ở đây cùng miêu tả một chủ thể và không gian đường phố xung quanh. Vậy, khung hình nào sẽ là hợp lý nhất so với 2 phương án còn lại?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất trong quay phim mà trước tiên sẽ là nguyên tắc 1/3. Hầu hết các máy ảnh, máy quay hay các app trên smartphone đều có thể bật một bộ lưới gồm các đường gióng như thế này. Nó chia khung hình làm 3 phần theo mỗi chiều ngang và dọc. Từ đó chúng ta quan sát và áp dụng nguyên tắc 1/3 để thiết lập khung hình khi quay video.

Ở cảnh quay này, nhân vật ở ví trí chính giữa khung hình nhưng lại đang hướng ánh mắt nhìn về phía trái. Hãy đổi góc máy đưa chủ thể về đường gióng dọc. Như vậy, nhân vật sẽ nằm ở 1/3 khuôn hình và hướng ánh mắt ra không gian 2/3 còn lại. Khung hình trông sẽ tự nhiên và thoáng đãng hơn. Đây cũng chính là quy tắc 1/3 áp dụng cho cảnh quay đối với người. Và bạn sẽ thấy quy tắc 1/3 áp dụng hầu hết trong các video quay phỏng vấn trên TV mỗi ngày.

Đối với quay phong cảnh, quy tắc 1/3 sẽ áp dụng tùy thuộc vào nội dung bạn muốn thể hiện. Nếu là một cảnh bình minh, hoàng hôn hay những cảnh vật cần tập trung vào mây trời, hãy để khoảng trời chiếm 2/3 khung hình và 1/3 còn lại là cảnh vật phía dưới. Ngược lại, nếu bạn muốn tập trung vào cảnh vật bên dưới thì hãy thu hẹp khoảng trời về 1/3 khung hình.

Nếu là một cảnh quay cận cảnh một bông hoa, hãy áp dụng tương tự như đối với người. Trong một khung hình như vậy sẽ luôn có 4 điểm vàng mà mắt thường của người xem dễ bị chú ý và tập trung vào nhất. Hãy đưa phần nổi bật ở bông hoa mà bạn muốn người thấy được vào 1 trong 4 điểm này cũng tương tự như ở đôi mắt con người.

Đồng thời, bạn cũng cần thể hiện rõ ràng tính chính phụ để người xem thấy được đâu là chủ thể cần tập trung vào. Nếu cảnh quay có nhân vật chính và 1 đồ vật khác đều nằm trong 4 điểm vàng như thế này thì bạn cần di chuyển, loại bỏ các đồ vật ra để người xem dễ dàng tập trung vào đối tượng chính. 

Tương tự với những cảnh quay hai người nói chuyện như thế này, bạn có thể set khung hình có 1 người làm tiền cảnh ở phía trước để vừa cho người xem tập trung vào nhân vật chính, vừa cho người xem cảm nhận được về cuộc đối thoại giữa 2 người. Tuy nhiên, cần lưu ý không để tiền cảnh lọt vào khung hình quá nhiều, lớn hơn cả chủ thể, cảnh quay trông sẽ chật trội, ngột ngạt và không vừa mắt.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào chúng ta cũng tuân thủ cứng nhắc theo nguyên tắc 1/3. Trong một số trường hợp, nhân vật có thể được đặt ở trung tâm để tạo sự tập trung, đẩy kịch tính lên cao. Nhưng chúng ta vẫn có thể để chủ nằm ở đường gióng ngang cắt 2/3 khung hình.

Tổng kết lại, chúng ta đã tìm hiểu cách ứng dụng quy tắc 1/3 vào từng trường hợp khác nhau, từ quay con người cho đến quay cảnh vật. Về cơ bản, chúng ta sẽ cần đưa chủ thể về các đường gióng và tập trung vào 4 điểm vàng đối với mắt người. Tuy nhiên, để biết chính xác đường gióng nào phù hợp nhất cho từng cảnh quay, hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn về khuôn hình và thẩm mỹ khuôn hình trong quay phim ở bài viết tiếp theo.